Giải mã nguyên nhân thành công chưa từng có của Alibaba

Từ một công ty nhỏ bé với 18 nhân viên, Alibaba đã trở thành hiện tượng “rung chuyển” sàn chứng khoán Mỹ với màn IPO lớn nhất trong lịch sử. Vậy đâu là nguyên nhân mang đến thành công vang dội này ?

Hiện tượng chưa từng có

Ngày 18/9, Alibaba Group Holding Ltd. – công ty bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc đã có màn IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) cực kỳ thành công. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của Alibaba (Mã: Baba) từ mức khởi điểm 68 USD/CP đã tăng 38% lên 93,08 USD/CP, đánh dấu đợt IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Hoa Kỳ.

Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu Alibaba đóng cửa ở mức 93,89 USD/CP, đưa giá trị thị trường của Alibaba lên 231 tỷ USD so với 228,5 tỷ USD trước giờ giao dịch.

alibaba114_16_38_000000_qtjg

Màn IPO thành công đã đưa Alibaba vượt xa các “ông lớn” trong cùng lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon (153 tỷ USD) và eBay (65 tỷ USD). So với các tập đoàn công nghệ cùng niêm yết tại Mỹ, Alibaba chỉ xếp sau các “đại gia” như Google, Apple, Microsoft, thậm chí còn vượt cả Facebook – mạng xã hội số một thế giới.

Không chỉ có số tài sản khổng lồ, theo thống kê của Bloomberg, màn IPO thành công còn đưa nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba – ông Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc với số tài sản trị giá 21,8 tỷ USD.

“Hoá rồng” vì biết mình… là ai!

Nhắc đến tầm vóc của Alibaba, nhiều người sẽ nghĩ đến một công ty toàn cầu với 22.000 nhân viên và 90 văn phòng trên thế giới. Tuy nhiên, khi mới thành lập năm 1999, Alibaba chỉ có vỏn vẹn 18 nhân viên với tổng số vốn 60.000 USD. Thậm chí, đây còn là công ty phát triển trong một lĩnh vực được đánh giá là “điên rồ” khi đó – Thương mại điện tử.

Ở thời điểm đó, người dân Trung Quốc chưa hề có thói quen sử dụng thẻ tín dụng và mua hàng trực tuyến do tâm lý lo ngại hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, ở Trung Quốc lúc đó cũng không có những công ty giao hàng chuyên nghiệp như FedEx của Mỹ, gửi đường bưu điện thì vừa chậm vừa dễ thất lạc. Tuy nhiên, Jack Ma và Alibaba đã thành công từ chính những điểm bất lợi đó nhờ tinh thần “biết mình là ai”.

alibabaipo-e1415055210616-1940x1089

Thành lập từ năm 1999 nhưng phải mãi đến năm 2003, Alibaba mới có khoản lợi nhuận đầu tiên. Thời gian đầu, Alibaba làm môi giới giữa các công ty nước ngoài với các nhà cung cấp nhỏ trong nước để có thể dễ kiểm soát hơn về chất lượng mặt hàng.

Tiếp theo, để lấn sân thị trường bán lẻ và thay đổi văn hoá tiêu dùng trực tiếp của người Trung Quốc, Alibaba đã kết hợp giữa hai hình thức: mua hàng qua mạng nhưng thanh toán tận nơi. Alibaba xây dựng một mạng lưới rộng lớn những người giao hàng bằng xe máy, giao hàng tận tay người mua và nhận tiền mặt trực tiếp.

Đồng thời, Alibaba trở thành công ty bán lẻ đầu tiên của Trung Quốc cho phép người mua trả lại hàng. Điều này đã nhanh chóng giúp Alibaba gây dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm cũng như mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.

Năm 2011, Alibaba điều tra phát hiện có nhân viên định tuồn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng vào hệ thống, công ty đã ngay lập tức thông báo công khai tới người tiêu dùng thay vì “ém nhẹm” để xử lý nội bộ. Chính sách minh bạch đó đã góp phần rất lớn giúp Alibaba nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

Một nguyên nhân nữa mang lại thành công cho Alibaba hiện tại, ngoài chính sách và định hướng đúng đắn, không thể bỏ qua công sức của người sáng lập công ty – Jack Ma. Xuất thân là một giáo viên tiếng Anh bình thường, Jack Ma thừa nhận ông không hề xuất sắc, thành tích học tập chỉ đứng trên khoảng 3 người trong lớp.

Tuy nhiên, Jack Ma lại biết tận dụng điểm mạnh của riêng mình, đó là sự lạc quan và khả năng thuyết phục cực kỳ lôi cuốn. Jack Ma chỉ tốn 6 phút đế khiến Tôn Chính Nghĩa – Giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm chịu chi ra 20 triệu USD để phát triển website Alibaba. Jack Ma cũng thuyết phục được Thái Sùng Tín, nhân tài của Investor AB chấp nhận bỏ mức lương 750.000 USD/năm để về Alibaba với mức lương 6.000 NDT/năm.

Chính từ những “bí kíp” đó mà đến nay, hai trang web mua sắm trực tuyến được mệnh danh là “trái tim của Alibaba” là Taobao và Tmall đã sở hữu mạng lưới kết nối 279 triệu người mua sắm trên toàn cầu, doanh thu chạm ngưỡng gần 300 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014. Và như đã nói ở trên, Jack Ma đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc, còn Alibaba sau khi vượt qua cả Amazon, Ebay thì đang trên đường trở thành công ty thương mại điện tử số 1 thế giới!